Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2008

DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG. KHU CĂN CỨ TỈNH UỶ LUNG LÁ NHÀ THỂ


LUNG LÁ NHÀ THỂ- ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN

Cách trung tâm thành phố Cà Mau 15 km về phía tây nam, di tích lịch sử cách mạng khu căn cứ tỉnh uỷ Lung Là Nhà Thể thuộc ấp Trần Độ xã Thạnh Phú huyện Cái Nước tỉnh Cà Mau, có thể nói đây là nơi đầu tiên dành cho những người bắt đầu tìm hiểu về truyền thống cách mạng của Đảng bộ và quân dân hai tỉnh Cà Mau- Bạc Liêu.
Nằm trên khuôn viên với diện tích 2.200 mét vuông, với bố cục hài hoà. Bia kỷ niệm, vườn hoa, cây xanh, phòng trưng bày hiện vật bổ sung di tích, tạo được ấn tượng đẹp cho người đến tham quan. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào là bia kỷ niệm cao khoản 6m với hình cờ đỏ búa liềm ngự trị trên đỉnh bia, trụ trên ngôi sao vàng năm cánh, ở giữa là bức phù điêu do hoạ sĩ Lê Công Uẩn thể hiện, mang một ý nghĩa sâu sắc- Trong lòng Tổ quốc thân yêu, dưới ánh sáng của Đảng cộng sản Việt Nam, những người làm cách mạng được chở che bằng những rạng dừa nước quen thuộc, được nhân dân nuôi dưỡng bằng những sản vật từ chính thủa ruộng mảnh vườn của mình, tạo thêm sức mạnh cho họ đạp lên xiền xích nô lệ, cưởi lên làn sóng dữ nhấn chìm bọn cướp nước và bán nước. Đặc biệt khu di tích này được xây dựng trên chính nền nhà của đồng chí Trần Văn Thời, nguyên bí thư tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là Cà Mau- Bạc Liêu). Hiện vật sống còn lại hiện nay là cây me mà đồng chí Trần Thời đã trồng từ thời niên thiếu. Chính nơi đây, vào những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ hai mươi, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp phong trào cách mạng. Nhiều cơ sở cách mạng trong tỉnh bị lộ, bị phá hoại. Nhận thấy lợi thế bí mật của khu vườn nhà mình, tuy nằm cách thị trấn Cà Mau không xa nhưng có sông rạch chằng chịt, cây cối rậm rạp, nhất là những đám lá dừa nước um tùm dùng để ngụy trang rất tốt. Đồng chí Trần Văn Thời đã chủ động dùng ngôi nhà và khu vườn của gia đình mình làm nơi hoạt động của Đảng. Những năm 1938 - 1940, Lung Lá Nhà Thể là nơi hội họp của Chi bộ ấp Tân Hưng, Quận ủy Cà Mau. Nhiều lần, Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu họp ở đây, có Xứ ủy Nam Kỳ tham dự. Sau đó, Lung Lá Nhà Thể trở thành cơ quan thường trực của Tỉnh ủy Bạc Liêu. Tháng 10-1938 Hội nghị đại biểu thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Bạc Liêu cũng được nhóm họp tại đây. Đặc biệt, sự kiện có tính bước ngoặt của lịch sử địa phương mà nơi này chứng kiến là cuộc họp Ban Chấp hành Tỉnh ủy Bạc Liêu mở rộng, diễn ra ngày 26-11-1940, để triển khai quyết định của Xứ ủy về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, khởi nghĩa Hòn Khoai. Hội nghị thống nhất phân khu vực khởi nghĩa tại Cà Mau - Bạc Liêu thành 3 khu vực và chọn Hòn Khoai là điểm khởi phát. Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai đã nổ ra đúng nửa đêm ngày 13-12-1940 và nhanh chóng giành thắng lợi. Thực dân pháp hoang mang cực độ. Mặc dù sau đó chúng tàn sát dã man những chiến sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa, (trong đó có Phan Ngọc Hiển) nhưng tinh thần cuộc khởi nghĩa đã trở nên bất diệt với thời gian, ngày 13 tháng 12 hàng năm được chọn làm ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân dân tỉnh Cà Mau. Sự nghiệp cách mạng tại địa phương thành công không thể không nhắc đến công lao của các chiến sĩ cách mạng thời tiền khởi nghĩa. Để ghi công của những chiến sĩ cách mạng trung kiên này, tên và hình ảnh gia đình của đồng chí Trần Văn Thời cùng các đồng chí luôn được lưu giữ tại nhà trưng bày trong khuôn viên khu di tích. Những người luôn tri ân lịch sử thì không thể nào quên Lung Lá Nhà Thể, cái nôi của cách mạng hai tỉnh Cà Mau- Bạc Liêu.
Ngày 16 tháng 6 năm 2007, được Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Lung Là Nhà Thể là điểm đến tham quan của những du khách phương xa đến thăm và tìm hiểu về Cà Mau, Là nơi về nguồn giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Cà Mau cho thế hệ trẻ hôm nay, là nơi ôn lại những tháng năm gian khổ của các cô chú đã một thời quên mình đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, với một công trình mang ý nghĩa lịch sử quan trọng của tỉnh Cà Mau nói riêng, nói chung Cà Mau- Bạc Liêu, mới được xây dựng cách nay không lâu (1997). Hiện trạng mặt bằng đang bị xuống cấp, những tấm đal lót trong khuôn viên bị lún sụp có thể bể bất cứ lúc nào, hàng rào bảo vệ chưa được xây hoàn chỉnh, đường vào khu di tích khoản 4km tính từ quốc lộ 1A có rất nhiều điểm hư hỏng người đi xe máy rất vất vã mới qua được, chiếc cầu bắt qua sông Rạch Rập tiến độ thi công còn quá chậm.
Lung Lá Nhà Thể là khu di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, là nơi rất quan trọng để giáo dục truyền thống cách mạng của tỉnh nhà, với tầm quan trọng đó tôi khuyến nghị với các cơ quan chức năng nên quan tâm nhiều hơn với di tích này, có kế hoạch duy tu bảo dưỡng hàng năm, tránh để xuống cấp như hiện nay, đảng uỷ, chính quyền và các đoàn thể địa phương cần tuyên truyền sâu rộng hơn trong nhân dân về ý thức môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp trên đường đến khu di tích, để “cái nôi” của cách mạng hai tỉnh Cà Mau- Bạc Liêu mãi mãi luôn là ấn tượng khó quên của mọi người khi một lần được đến





NGUỒN GỐC TÊN HỌ PHỔ BIẾN Ở VIỆT NAM


Không phải bất cứ tên họ nào của người Việt cũng là họ của Tàu. Tuy nhiên, đa số tên họ mà người Việt có, đều là họ của người Tàu. Ðiều đó không có nghĩa ta là Tàu, mà chỉ có nghĩa ta đã bắt chước hay bị bắt buộc nhận tên họ của Tàu, vì ảnh hưởng văn hóa, vì các cuộc hôn nhân dị chủng. Sau đây là nguồn gốc các tên họ phổ biến nhất tại Việt Nam.
ÂU => Theo sách Đường Thư Tể Tướng Thế Hệ Biểu, Vô Cương chắt đời thứ 7 của Câu Tiễn được ban cho đất ở núi Âu Dư Sơn để cai trị. Do vậy, một số cháu chắt Vô Cương đã nhận họ Âu và chọn đất Bình Dương, tỉnh Thiểm Tây để cư ngụ, một số khác nhận họ kép Âu Dương vì ở đó có ngọn núi Âu Dương. Dòng họ Âu Dương cư ngụ tại 2 tỉnh Giang Tô và Sơn Đông.
BÙI => Theo sách Thông Chí Thị Tộc Lược, ông Bá Khôi, thời vua Đại Vũ nhà Hạ, được ban cho đất ở làng Bùi. Con cháu ông Bá Khôi nhận tên làng Bùi làm tên họ. Dòng họ Bùi ban đầu cư ngụ tại tỉnh Hà Đông, phía đông sông Hoàng Hà.
CAO => Theo Quảng Vận, đời Chu, con cháu của Kỷ Thái Công được ban cho nước Cao để cai trị. Cháu chắt đã nhận tên nước Cao làm tên họ. Dòng họ Cao ban đầu cư ngụ tại tỉnh Sơn Đông.
CHU => Thời xưa, nước Tàu có nước nhỏ gọi là Chu, do Thái Vương cai trị. Con là Văn Vương nối nghiệp, nhận tên Chu làm tên họ nên gọi là Chu Văn Vương. Ban đầu, dòng họ Chu cư ngụ tại Thiểm Tây, sau lan dần sang Hà Nam.
CUNG => Theo sách Tính Thị Khảo Lược do Trần Đình Vi viết vào đời nhà Thanh, Huy là con thứ 5 của Hoàng Đế đã sáng chế ra cây cung nên được ban cho đất Trương để cai trị. Con cháu đã nhận chữ Cung và Trương làm tên họ. Theo sách Vạn Tính Thống Phổ, Thúc Cung làm quan đại phu nước Lỗ ở tỉnh Sơn Đông. Cháu chắt đã nhận chữ Cung làm tên họ. Gia tộc họ Cung phát triển ở vùng Sơn Tây. Vào thời Nam Bắc Triều, nhiều họ Cung đổi sang họ Trương để tránh bị bạc đãi.
QUAN => Theo sách Cổ Kim Tính Thị Biện Chứng, họ Quan do tên chức quan canh gác cung điện nhà Chu. Quan Chí Cơ, giữ chức Đại Phu nước Ngu, là người đầu tiên nhận họ Quan. Dòng họ Quan tập trung nhiều ở tỉnh Sơn Tây là nơi ngày xưa có nước Ngu.
DOÃN => Ban đầu từ Doãn để chỉ bộ lạc cổ gọi là rợ Nhung. Khi người Nhung cư ngụ trong lãnh thổ Hán, bị đồng hóa thì người Nhung đã nhận tên bộ tộc Doãn làm tên họ.
DƯ => Theo sách Nguyên Hà Tính Toản của Lâm Bảo, viết vào đời Đường (618-907), người sáng lập họ Dư là Do Dư làm quan đời nhà Tần. Con cháu nhận tên ông làm tên họ. Trong Hán văn, hình dạng chữ Dư và chữ Xa rất giống nhau nên vào đời nhà Đường, vì viết lầm họ Dư ra họ Xa, nên từ đó nước Tàu có thêm họ Xa.
DƯƠNG => Theo sách Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo, họ Dương là chi nhánh của họ kép Dương Thiệt, và bắt đầu xuất hiện thời Xuân Thu- Chiến Quốc. Dòng tộc họ Dương ban đầu cư ngụ tại Sơn Tây, sau di chuyển qua Thái Sơn tỉnh Sơn Đông.
ĐÀO => Họ Đào bắt nguồn từ chức quan gọi là Đào Chính. Đào Chính là chức quan trông coi việc chế tạo đồ gốm cho cung điện nhà Chu. Người đầu tiên giữ chức quan Đào Chính là ông Ngu, con cháu ông lấy từ Đào làm tên họ. Trong Hán tự, đào có nghĩa là đồ gốm.
ĐẶNG => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Đặng là chi nhánh của họ Mạn. Đặng là tên nước. Cuối đời Thương, con cháu của Kim Thiên Thị được ban cho đất Đặng để cai trị. Do vậy, cháu chắt đã nhận tên Đặng làm tên họ. Dòng họ Đặng cư ngụ tại Hà Nam là nơi xưa kia có nước Đặng.
ĐINH =>Họ Đinh rất phổ biến tại Trung Quốc, theo Vạn Tính Thống Phổ và Thông Chí Thị Tộc Lược được viết vào đời Tống (960-1279), họ Đinh là chi nhánh của họ Khương, thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Vào đời nhà Chu, hậu duệ của Hoàng Đế nhận chữ Đinh làm tên họ. Dòng tộc Đinh ban đầu cư ngụ tại tỉnh Sơn Đông.
ĐOÀN => Theo Nguyên Hà Tính Toản, Đoàn là tên của giống dân du mục mà người Hán gọi là rợ Hồ. Khi họ định cư tại đất Hán vào đời hậu Chu (947-950), họ nhận tên Đoàn làm tên họ. Theo sách Sử Ký Ngụy Thế Gia, họ Đoàn là chi nhánh của họ kép Đoàn Can. Đoàn Can là tên ấp nằm trong nước Ngụy và ông tổ của dòng họ này là Đoàn Can Mộc. Dòng họ Đoàn và Đoàn Can ban đầu cư ngụ tại Sơn Tây và Hồ Bắc là nơi xưa kia có nước Ngụy.ĐỖ,
PHẠM => Theo Nguyên Hà Tính Toản và Lộ Sử, Lưu Luy thuộc dòng Đường Đế Nghiêu. Lưu Luy lập ra nước Đường nay ở Sơn Tây và người ta thường gọi là Đường Đỗ Thị. Vào triều đại nhà Chu, Chu Thành Vương chiếm nước Đường. Một người cháu Lưu Luy được cấp đất Đỗ Thành ở Tây An tỉnh Thiểm Tây và được phong tước Đỗ Bá. Do vậy, con cháu nhận tên Đỗ làm tên họ. Đất Đỗ Thành lại bị Chu Tuyên Vương chiếm và con của Đỗ Bá là Đỗ Thấp Thúc chạy sang nước Tấn, được phong chức Sĩ Sư nên đổi họ Đỗ thành họ Sĩ. Đến đời chắt của ông này là Sĩ Hội được ban cho đất Phạm, gọi là Phạm Ấp để cai trị, nên đã đổi họ Sĩ ra họ Phạm. Dòng họ Phạm phát triển mạnh tại tỉnh Sơn Tây.
GIANG => Theo Nguyên Hà Tính Toản, chắt vua Chuyên Húc là Bá Khôi được ban cho đất Giang Lăng để cai trị. Vào thời Xuân Thu, nước Giang bị nước Sở thôn tính, cháu chắt Bá Khôi đã chọn tên Giang làm tên họ để tưởng nhớ nước Giang.
GIÁP => Theo Phong Tục Thông, họ Giáp bắt nguồn từ họ kép Giáp Phụ và Giáp Phụ là tên nước.
HÀ/HÀN => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Hà có từ đời nhà Tần, là chi nhánh của họ Hàn, thuộc dòng dõi Chu Văn Vương. Người lập nên họ Hà là Hàn An, sống ở nước Hàn nay ở tỉnh Sơn Tây. Khi Tần Thủy Hoàng chiếm nước Hàn, Hàn An trốn sang Giang Tô và đổi thành họ Hà. Dòng họ Hà sinh sống dọc theo sông Dương Tử và sông Hoài chảy qua hai tỉnh Giang Tô và An Huy.
HOÀNG => Theo Nguyên Hà Tính Toản, Hoàng là tên đất. Chu Vũ Vương cho con cháu Lục Chung đất Hoàng ở Hà Nam để cai trị. Nước Hoàng bị nước Sở Chiếm, con cháu Lục Chung nhận từ Hoàng làm tên họ để tưởng nhớ nước Hoàng.
HỒ => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Hồ thuộc dòng dõi Đế Thuấn, và người lập nên họ Hồ là Hồ Công Mãn. Họ Hồ là chi nhánh của họ Trần. Hồ Công Mãn được Chu Vũ Vương ban cho đất Trần để cai trị. Khi Hồ Công Mãn chết, con cháu lấy họ Hồ để tưởng nhớ người sáng lập nước Trần. Dòng họ Hồ cư ngụ tại Hồ Bắc.
KHỔNG => Họ Khổng thuộc dòng dõi Hoàng Đế, theo Quảng Vận, họ Khổng là chi nhánh của họ Tử. Con của Đế Cốc đã nhận chữ Tử làm tên họ. Đến đời vua Thành Thang (1766-1753 TCN), một người chắt Đế Cốc được giữ chức Thái Ất. Do vậy, con cháu đã phối hợp chữ Tử và Ất, tạo thành chữ Khổng để làm tên họ. Người đầu tiên nhận họ Khổng là Khổng Phú Gia.
KHUẤT => Theo Thượng Hữu Lục và Vạn Tính Thống Phổ, Khuất là tên đất gọi là Khuất Ấp. Con của Chu Vũ Vương được ban cho Khuất Ấp để cai trị. Cháu chắt đã nhận địa danh Khuất làm tên họ. Dòng họ Khuất ban đầu cư ngụ tại Hà Nam.
KHÚC => Theo Vạn Tính Thống Phổ và Thông Chí Thị Tộc Lược, họ Khúc thuộc dòng dõi Chu Văn Vương. Con của Mục Hầu nước Tấn được ban cho đất gọi là Khúc Ốc. Do vậy, con cháu đã nhận họ Khúc. Dòng họ Khúc cư ngụ tại Thiểm Tây là nơi xưa kia có đất Khúc.
KIỀU => Theo Nguyên Hà Tính Toản, và Vạn Tính Thống Phổ, họ Kiều là chi nhánh của họ Cơ, thuộc dòng dõi Hoàng Ðế. Theo hai sách này, Hoàng Ðế chết, được chôn ở núi Kiều Sơn nên con cháu nhận tên núi Kiều làm tên họ. Dòng dõi họ Kiều cư ngụ tại Sơn Tây.
LẠI => Theo Tính Thị Khảo Lược, Lại là tên nước thời Xuân Thu. Người nước Lại lấy tên nước làm tên họ. Dòng dõi họ Lại đầu tiên cư ngụ tại tỉnh Hà Nam.
LÂM => Theo Lộ Sử và Nguyên Hà Tính Toản, họ Lâm là chi nhánh họ Tử thuộc dòng dõi vua Thành Thang. Người đầu tiên nhận họ Lâm là Tỷ Can. Tỷ Can bị Trụ Vương giết, con Tỷ Can trốn vào rừng. Về sau Chu Vũ Vương ban cho con Tỷ Can đất Bá Lăng, nay ở Hà Bắc và ban cho tên họ Lâm. Dòng họ Lâm ban đầu cư ngụ tại Hà Bắc, sau lan sang Sơn Đông và Hà Nam.
LÊ => Có 2 tài liệu nói về họ Lê. Theo sách Phong Tục Thông, dưới triều vua Thiếu Hạo (2598-2513 TCN), có nhóm quan gồm 9 người gọi là Cửu Lê. Con cháu các quan này đã nhận chữ Lê làm tên họ. Theo Lộ Sử và Nguyên Hà Tính Toản, Lê là tên nước đời nhà Thương. Khi nhà Thương bị diệt, nước Lê thuộc nhà Chu. Con cháu Đường Đế Nghiêu được phong tước Lê Hầu. Do vậy con cháu đã lấy tên tước Lê làm tên họ. Dòng họ Lê ban đầu cư ngụ tại Sơn Đông là nơi khi xưa có nước Lê.
LƯU => Họ Lưu thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Theo sách Thông Chí Tính Tộc Lược, cháu chắt của Đường Đế Nghiêu được ban cho đất Lưu, nay ở tỉnh Hà Bắc để cai trị. Cháu chắt đã nhận tên đất Lưu làm tên họ. Nhưng theo sách Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo, Lưu là tên huyện. Một người cháu chắt Chu Văn Vương làm quan đại phu, được ban cho đất Lưu Ấp. Con cháu đã nhận tên đất Lưu làm tên họ.
LƯƠNG=> Theo sách Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo, họ Lương thuộc thị tộc Doanh. Con của Tần Trọng được ban cho đất Hạ Dương và được phong tước Lương Bá. Cháu chắt Lương Bá nhận tên Lương làm tên họ. Một tài liệu khác cho rằng thời Bắc Ngụy, vua Hiếu Văn Đế ra nhiều sắc lệnh cải cách xã hội Tàu, trong đó có lệnh bắt đổi họ ba chữ Bạt Liệt Lan thành họ Lương.
LÝ => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Lý (nghĩa: cây mận) là chi nhánh của họ Lý (nghĩa: thớ thịt). Cả hai họ này có ông tổ chung là Chuyên Húc. Cửu Dao là cháu Chuyên Húc giữ chức Lý Quan tức quan án nên Cửu Dao đổi sang họ Lý (nghĩa: thớ thịt). Đến đời Thương, Lý Trưng phạm tội bị Trụ Vương đuổi khỏi nước và chết, con là Lý Lợi Trinh sống sót nhờ ăn trái cây gọi là Mộc Tử. Để ghi nhớ sự kiện này, ông ghép chữ Mộc và chữ Tử thành chữ Lý( nghĩa: cây mận) để làm tên họ. Dòng họ Lý cư ngụ tại Hà Bắc.
MA => Có 2 tài liệu nói về họ Ma. Theo sách Phong Tục Thông, thì Ma Anh làm quan đại phu nước Tề, con cháu nhận tên Ma làm tên họ. Theo sách Tính Thị Khảo Lược, quan đại phu nước Sở được ban cho đất Ma gọi là Ma Ấp để cai trị. Cháu chắt đã nhận chữ Ma làm tên họ. Dòng họ Ma cư ngụ tại Hà Bắc là nơi xưa kia có nước Ma.
MÃ => Họ Mã rất phổ thông tại Trung Quốc và đặc biệt đa số người họ Mã theo Hồi Giáo. Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Mã là chi nhánh của họ Doanh, thuộc dòng dõi Chuyên Húc. Người sáng lập dòng họ Mã là Triệu Xa. Triệu Xa giữ chức Mã Phục Quân là chức quan trông coi việc thuần thục ngựa cho kỵ binh thời Chiến Quốc. Con cháu Triệu Xa đã nhận tên chức quan Mã làm tên họ. Dòng họ Mã cư ngụ tại vùng Thiểm Tây.
MẠC => Theo Tính Thị Khảo Lược, Mạc là tên thành. Vua Chuyên Húc xây Mạc Thành. Cư dân trong Mạc Thành đã lấy chữ Mạc làm tên họ. Dòng họ Mạc cư ngụ nhiều tại Hà Bắc là nơi xưa kia đã xây Mạc Thành. Thuyết thứ hai cho rằng, họ Mạc là do tên chức vụ công quyền: chức Mạc Ngao. Khuất Nguyên của nước Sở giữ chức vụ này nên con cháu đã lấy chữ Mạc làm tên họ.
MAI => Theo Đường Thư Tể Tướng Thế Hệ Biểu, họ Mai là chi nhánh của họ Tử. Mai là tên đất. Vào đờI nhà Thương, người anh của Thái Đinh được ban cho đất Mai và được phong tước Mai Bá. Con cháu đã nhận tên đất Mai làm tên họ. Dòng họ Mai cư ngụ tại Hà Nam.
NGHIÊM => Họ Nghiêm xuất phát từ họ Trang, thuộc dòng tộc Trang Vương nước Sở. Theo Nguyên Hà Tính Toản, khi Trang Vương mất, con cháu đã nhận tên Trang làm tên họ. Theo Tính Thị Khảo Lược, vì tránh tên húy của Hán Minh Đế nên ông Trang Quang đã đổi sang họ Nghiêm. Từ đó nảy sinh dòng họ Nghiêm. Dòng họ này phát triển mạnh tại tỉnh Chiết Giang.
NGÔ => Vào thời Xuân Thu-Chiến Quốc, phía nam sông Dương Tử là vùng Giang Nam. Vùng này là lãnh thổ của nước Ngô. Theo Thông Chí Thị Tộc Lược, dân chúng nước Ngô đã nhận tên Ngô làm tên họ. Dòng họ Ngô ban đầu cư ngụ tại tỉnh Giang Tô là nơi có nước Ngô. Sau này, người họ Ngô cũng cư ngụ tại Chiết Giang và Sơn Đông.
NGUYỄN => Theo hai tài liệu Nguyên Hà Tính Toản và Vạn Tính Thống Phổ, đời nhà Thương có nước Nguyễn. Cư dân nước này nhận tên Nguyễn làm tên họ. Nhiều người dòng họ Nguyễn cư ngụ tại tỉnh Hồ Nam.
NÔNG => Theo Vạn Tính Thống Phổ, họ Nông bắt nguồn từ Thần Nông Thị. Vua Thần Nông dậy dân làm ruộng nên dân chúng nhận tên Nông làm tên họ.
ÔNG => Theo Nguyên Hà Tính Toản và Tính Thị Khảo Lược, họ Ông thuộc dòng Chu Văn Vương. Con Chu Văn Vương là Chu Chiêu Vương được ban cho đất Ông để cai tri. Con cháu đã nhận tên họ Ông. Tại đất Ông có ngọn núi tên là Ông Sơ Dòng họ Ông cư ngụ tại Chiết Giang.PHẠM Xem họ ĐỖ.
PHAN => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Phan thuộc dòng tộc Chu Văn Vương. Chu Văn Vương cho chắt của mình là Chu Chí Tôn vùng đất gọi là Phan Ấp để cai trị. Con cháu Chí Tôn đã nhận tên Phan làm tên họ. Ban đầu dòng họ Phan cư ngụ tại Thiểm Tây, sau lan ra An Huy và Chiết Giang.
PHÓ => Theo Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo, người sáng lập dòng họ Phó là quan Thừa Tướng của vua Vũ Tính nhà Thương. Ông cư ngụ tại đất Phó Nghiễm, nay là tỉnh Sơn Tây. Con cháu đã nhận tên Phó làm tên họ. Dòng họ Phó cư ngụ tại Hà Bắc và Sơn Đông.
PHÙNG => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Phùng thuộc dòng dõi Chu Văn Vương. Người con thứ 15 của vua này là Tất Công Cao được ban cho đất Phùng, gọi là Phùng Ấp để cai trị. Con cháu đã nhận tên Phùng làm tên họ. Dòng dõi họ Phùng cư ngụ tại Hà Nam và Sơn Tây.
QUÁCH => Theo Tính Thị Khảo Lược, họ Quách có từ đời nhà Hạ. Thời nhà Hạ dân chúng sống trong khu vực có tường lũy bao quanh gọi là Quách. Dân chúng lấy tên Quách làm tên họ. Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Quách là chi nhánh của họ Cơ, thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Con thứ tư của Chu Văn Vương được ban cho đất Quách để cai trị nên con cháu nhận tên Quách làm tên họ. Dòng họ Quách phát triển mạnh tại Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây là nơi xưa kia có nước Quách.SƠN => Theo Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo và Thông Chí Thị Tộc Lược, Sơn là tên một chức quan đời nhà Chu gọi là Sơn Sư. Quan Sơn Sư trông coi việc thu thuế lâm và ngư nghiệp. Con cháu nhận tên chức quan Sơn làm tên họ.TẠ => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Tạ là chi nhánh của họ Khương, thuộc dòng dõi Viêm Đế. Tạ là tên nước. Thân Bá là anh em rể của Chu Tuyên Vương được ban cho đất Tạ nên con cháu Thân Bá đã nhận tên Tạ làm tên họ. Đất Tạ nay ở tỉnh Sơn Đông.
TĂNG => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Tăng là chi nhánh của họ Từ, thuộc dòng dõi vua Đại Vũ đời nhà Hạ. Khi Thiếu Khang hồi phục nhà Hạ, ông ban đất Khoái cho con út của ông là Khúc Liệt để lập nên nước Khoái. Nước Khoái bị diệt, họ hàng chạy sang nước Lỗ và để tưởng nhớ nước Khoái, con cháu đã lấy chữ Khoái nhưng bỏ bớt ngữ căn Ấp để thành chữ Tăng làm tên họ. Dòng họ Tăng phát triển mạnh tại Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông.
THÁI => Theo Tính Thị Tầm Nguyên, họ Thái là do họ kép Thái Thúc mà ra. Họ Thái Thúc là chi nhánh của họ Cơ, thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Người lập ra họ Thái Thúc là Thái Thúc Nghĩa. Con cháu đã nhận Thái Thúc làm tên họ. Họ Thái Thúc ban đầu ở Hà Nam, Hà Bắc, sau phát triển ở Sơn Đông.
THÂN => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Thân là chi nhánh họ Khương, thuộc dòng tộc Viêm Đế. Thân Lã được ban cho đất Thân để cai trị và được tước Thân Bá. Cháu chắt Thân Lã đã nhận địa danh Thân làm tên họ.
TÔ => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Tô thuộc dòng dõi Chuyên Húc. Đời nhà Hạ, Côn Ngô được ban cho đất Tô Thành nên con cháu đã lấy họ Tô. Đầu tiên, họ Tô cư ngụ tại Hà Nam. Sang đời Chu, họ rời về Cam Túc.
TÔN => Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Tôn bắt nguồn từ tên chức quan gọi là Tôn Bá. Chức quan này trông coi việc tế tự trong triều đình nhà Chu. Con cháu đã nhận tên chức quan làm tên họ. Họ Tôn cư ngụ tại phía đông sông Dương Tử, trong vùng gọi là Hà Đông.
TỐNG => Theo Vạn Tính Thế Phổ, họ Tống là chi nhánh của họ Tử và Tống là địa danh nước Tống. Chu Vũ Vương ban đất Tống cho Vi Tử Khải là con út của Đế Ất. Nước Tống bị nước Sở chiếm. Dân nước Tống nhận tên Tống làm tên họ. Họ Tống cư ngụ tại tỉnh Hà Nam.
TRẦN => Theo Thông Chí Thị Tộc Lược và Nguyên Hà Tính Toản, họ Trần là do tên nước Trần. Chu Vũ Vương cho Quỳ Mãn hay còn gọi là Hồ Công Mãn đất Trần nay ở tỉnh Hà Nam để cai trị. Mười thế hệ sau, cháu chắt Hồ Công Mãn bỏ đất Trần đi nơi khác để tránh binh biến. Để tưởng nhớ đất cũ, họ đã nhận tên nước Trần làm tên họ. Dòng dõi họ Trần cư ngụ nhiều tại tỉnh Hà Nam và Sơn Đông.
TRIỆU => Theo sách Bách Gia Tính xuất bản thời Bắc Tống, họ Triệu được con cháu đặt ra để tưởng nhớ vị sáng lập triều đại Bắc Tống là Triệu Khuông Dận. Theo sách Nguyên Hà Tính Toản, Triệu là tên vùng đất gọi là Triệu Thành. Đời nhà Chu, Tạo Phủ được ban cho đất Triệu Thành nên đã nhận chữ Triệu làm tên họ. Dòng họ Triệu cư ngụ tại Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây
TRỊNH => Theo Nguyên Hà Tính Toản, Trịnh là tên nước. Đời vua Chu Tuyên Vương, Chu Hữu được ban cho đất Trịnh. Con cháu nhận tên Trịnh làm họ. Dòng họ Trịnh cư ngụ tại huyện Trịnh tỉnh Hà Nam.
TRƯƠNG => Theo Tính Thị Khảo Lược và Nguyên Hà Tính Toản, họ Trương thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Người con thứ 5 là Huy sáng chế ra cây cung. Muốn bắn cung phải trương dây cung. Vì vậy, chữ Trương gồm 2 chữ Cung và Trường ghép lại. Một số cháu chắt ông Huy lấy từ Cung, số khác lấy từ Trương làm tên họ. Dòng họ Trương cư ngụ tại Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây.
TỪ => Theo Nguyên Hà Tính Toản, ông tổ họ Từ là Bá Khôi. Bá Khôi là quan đại thần của Đế Thuấn. Vua Đại Vũ nhà Hạ ban nước Từ cho con cháu Bá Khôi cai trị. Nước Từ bị nước Sở chiếm nên cháu chắt Bá Khôi đã nhận tên Từ làm tên họ để tưởng nhớ quê hương cũ. Dòng họ Từ cư ngụ tại tỉnh Hà Nam.
VĂN => Theo Phong Tục Thông, họ Văn thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Sau khi Chu Văn Vương chết, con cháu đã nhận chữ Văn làm tên họ.
VŨ/VÕ => Có 2 tài liệu về họ Vũ. Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Vũ là chi nhánh của họ Cơ và người sáng lập dòng họ này là Cơ Vũ, con của Chu Bình Vương. Theo Phong Tục Thống, họ Vũ thuộc dòng dõi Tống Vũ Công thời Xuân Thu. Con cháu đã nhận tên Vũ làm họ để tưởng nhớ ông tổ Tống Vũ Công. Dòng họ Vũ cư ngụ tại Thái Nguyên, Sơn Tây và Giang Tô.
VU => Họ Vương rất phổ thông tại Trung Quốc là chi nhánh của nhiều họ trước đây là vua hay hoàng đế Trung Quốc. Theo Thông Chí Thị Tộc Lược, họ Vương là chi nhánh của dòng tộc Chu Văn Vương. Vương Đạo là con cháu danh tiếng nhất của dòng họ này. Tài liệu khác cho rằng họ Vương thuộc dòng họ Đế Thuấn. Dòng họ Vương lan tràn khắp nước Tàu như Sơn Đông, Thái Nguyên, Hà Nam, Hà Bắc, Giang Tô.

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2008

AI ĐÃ PHÁT MINH RA CHỬ QUỐC NGỮ?

Thời Pháp thuộc, người Pháp tuyên truyền rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã có công sáng chế chữ Quốc ngữ. Nhưng theo nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học người Pháp Roland Jacques thì người có công đầu này chính là giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco de Pina.

Roland Jacques đã bỏ ra hàng chục năm để nghiên cứu vấn đề này và đến cuối năm 1995, ông đã công bố chuyên luận Công trình của một số nhà tiên phong Bồ Đào Nha trong lĩnh vực ngôn ngữ học Việt Nam cho đến năm 1650. Đến năm 2002, công trình được tái bản có bổ sung bằng song ngữ Pháp - Anh.
Sau nhiều năm tìm kiếm trong hàng vạn trang viết về Đàng Trong ở thế kỷ 17 - 18 còn được lưu trữ tại Thư viện hoàng gia của Cung điện Ajuda ở thủ đô Lisbonne (Bồ Đào Nha), ông may mắn phát hiện được một bức thư viết dở dài 7 trang của giáo sĩ Francisco de Pina vào đầu năm 1623 gửi cho Khâm sai Jéromino Rodriquez ở Macao, báo cáo về công việc truyền giáo và Latinh hoá tiếng Việt.
Giáo sĩ Francisco de Pina đến Đàng Trong vào đầu năm 1617, đặt chân đầu tiên ở Đà Nẵng, sau đó vào giữa năm này đến truyền đạo ở cảng thị Hội An. Đầu năm 1618, ông chuyển đến Nước Mặn, Quy Nhơn. Đến đầu năm 1621 ông quay lại truyền đạo ở Hội An cho đến đầu năm 1625. Giáo sĩ A.de Rhodes đến Hội An vào cuối năm 1624 và học tiếng Việt với ông tại đây.
Đầu năm 1625, F.de Pina làm Cha bề trên ở Dinh trấn Thanh Chiêm mà A.de Rhodes là cấp dưới. Tiếp đó, ông thay mặt Giáo đoàn Đàng Trong ra Phủ Chúa yết kiến Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên về vấn đề truyền đạo, mang theo A.de Rhodes để dạy tiếng Việt. Ông bị tai nạn lật thuyền và mất ngày 15/12/1625 khi thay mặt các giáo sĩ ra một chiếc tàu đậu ở ngoài khơi Hội An để nhận hàng tiếp tế của Macao.
Trong bức thư viết vào đầu năm 1623 nói trên, Francisco de Pina đã viết: “Về phần tôi, tôi đã biên soạn một chuyên luận nhỏ về từ vựng và các thanh của ngôn ngữ này (tức tiếng Việt) và tôi đang bắt tay viết về ngữ pháp. Tuy nhiên, tôi cũng đã tập hợp được những cổ tích, thuộc nhiều loại khác nhau nhằm cung cấp các trích dẫn của các tác giả để xác minh nghĩa của các từ và các quy tắc của ngữ pháp, cho đến nay tôi có thể yêu cầu một người nào đó đọc để tôi phiên dịch sang các chữ Bồ Đào Nha (tức chữ La tinh)... Ngoài ra, tôi đã có ba bốn cuốn tập hợp các bài viết có lý luận trong số các bài viết hay nhất mà tôi tìm thấy được ở Vương quốc này”.
Những điều Francisco de Pina đã viết trước khi Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong một năm, cho thấy ông đã tiến hành việc Latinh hoá tiếng Việt chậm nhất là vào năm 1622, và đã tạo ra những cuốn sách viết bằng chữ Quốc ngữ sớm hơn bất kỳ một giáo sĩ Phương Tây nào đến Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài.
Về vấn đề này, Roland Jacques đã có ý kiến: “Một sự hiểu biết sơ đẳng tiếng Bồ Đào Nha cho phép xác định rằng những nguyên tắc của hệ thống ghi âm của ngôn ngữ Bồ Đào Nha đã được vận dụng chủ yếu trong việc ghi âm phức tạp của tiếng Việt...”.
Như vậy, sự ra đời của chữ Quốc ngữ là kết quả của cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ngôn ngữ Việt Nam và ngôn ngữ Bồ Đào Nha, và giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco de Pina là nhà tiên phong trong phát minh chữ Quốc ngữ.
Sau khi người Thầy Francisco de Pina qua đời, các công trình Latinh hoá tiếng Việt đầu tiên của ông đã vào tay người học trò Alexandre de Rhodes và ông này đã mang theo khi ra Đàng ngoài năm 1627.
Alexandre de Rhodes đã được giáo sĩ Bồ đào Nha Gaspar do Amral trao cho cuốn Từ điển Việt - Bồ do ông biên soạn tại Macao vào mùa đông 1645. Sau đó giáo sĩ này đã bị chết trong một vụ đắm tàu ngày 23/12/1645 trên đường đến Đàng ngoài.
Alexandre de Rhodes cũng đã được giáo sĩ Bồ Đào Nha Antonio Barbosa trao cho cuốn Từ điển Bồ - Việt tại Macao cũng vào khoảng thời gian khi ông này bị bệnh và sau đó đã qua đời tại Toà thánh Goa ở ấn Độ năm 1647.
Nhờ những công trình Latinh hoá tiếng Việt có sẵn của các đồng nghiệp nói trên, Alexandre de Rhodes về sau đã bổ sung thêm một ít tư liệu của mình để biên soạn cuốn Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - Latinh được Vatican xuất bản năm 1651.
Khi đọc lời “Cùng bạn đọc” của cuốn từ điển đó, do chính Alexandre de Rhodes viết, người ta đều cho rằng ông không phải là người đi đầu trong phát minh chữ Quốc Ngữ. Ông đã viết: “Ngay từ đầu, tôi đã học với Cha Francisco de Pina là người thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không cần phiên dịch. Tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một hội dòng, nhất là Cha Gaspan do Amaral và Cha Antonio Barbosa. Cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển, ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ, nhưng cả hai ông đều chết sớm. Sử dụng công khí của hai ông, tôi còn thêm tiếng Latinh theo lệnh các Hồng y đáng tôn kính...”.
Bởi vậy, ngày nay, chúng ta chỉ nên khẳng định Alexandre de Rhodes là người có công hệ thống hoá, chỉnh lý và phổ biến chữ Quốc ngữ mà thôi.
Về việc người Việt có tham gia trong sự phát minh chữ Quốc ngữ, theo Roland Jacques gồm hai nhóm: thứ nhất là giới trí thức gồm có các thầy đồ, sư sãi, các trưởng tông phái (đạo Lão, đạo Khổng...), quan lại hưu trí và sĩ tử là những người giỏi tiếng mẹ đẻ, am hiểu nền văn hoá dân tộc. Nhóm thứ hai gồm các phiên dịch là thanh niên giáo dân biết tiếng Bồ Đào Nha, La tinh giúp giáo sĩ truyền đạo. Và số người Việt này phải đông hơn gấp nhiều lần sơ với các giáo sĩ.
Các phiên dịch nhờ học được tiếng Bồ Đào Nha, Latinh nên có khả năng đóng góp thực sự trong việc phiên âm tiếng Việt bằng bộ chữ cái mà nó dẫn tới chữ Quốc ngữ.
Ngày nay, các nhà ngôn ngữ học hiểu rất rõ nếu các giáo sĩ phương Tây không được sự hợp tác của người Việt thì không thể Latinh hoá tiếng Việt được. Bởi vậy Roland Jacques đã viết : “Chính cả Pina và các đồng nghiệp đã tập hợp được những người hợp tác có chất lượng mà nếu không có họ, mọi công trình ngôn ngữ học nghiêm túc sẽ không thể có được”. Và ông đề nghị: “ Cần thiết phải đặt đứng vị trí việc làm của cá nhân Alexandre de Rhodes trong một công trình tập thể mà ông chỉ là một trong số nghệ nhân cư yếu, trong đó người Bồ Đào Nha và những người cạnh tranh ngang hàng Việt Nam của họ đã giữ vai trò hàng đầu”.

SỬ LIỆU LIÊN QUAN ĐẾN TÊN NƯỚC VIỆT NAM

Tuy vào năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ 6 (1054) vua Lý Thái Tông đặt tên nước ta là Đại-Việt, nhưng quốc hiệu này chỉ được dùng trong nội bộ; bấy giờ Trung-Quốc vẫn gọi nước ta là Giao-Chỉ. Thời vua Lý Anh Tông Chính Long Báo Ứng năm thứ 2 (1164), nhà Tống đổi Giao-Chỉ thành An-Nam quốc. Kể từ đó cho đến cuối thời Hậu Lê, tên nước An-Nam được dùng trong việc bang giao với Trung-Quốc; Riêng trong nước, muốn chứng tỏ sự độc lập, vẫn dùng quốc hiệu là Đại-Việt (Ngoại trừ nhà Hồ đặt quốc hiệu là Đại-Ngu).Điều này giải thích tại sao hai nhà viết sử dưới đời nhà Trần, Sử-thần Lê Văn Hưu đặt tên cho bộ sử là Đại-Việt sử ký; trong khi Lê Trắc, sống lưu vong tại Trung-Quốc, phải đặt tên cho bộ sử là An-Nam chí lược.
Trong văn thư giao dịch với nước ta dưới thời Tây Sơn, nhà Thanh vẫn dùng quốc hiệu An-Nam. Sau khi thống nhất đất nước, Gia Long gửi biểu văn sang nhà Thanh xin đặt lại tên nước là Nam-Việt. Việc làm này khiến vua Gia Khánh cực lực phản đối, vì sợ Gia Long dùng tên nước cũ thời Triệu Đà để đòi lại đất của Nam-Việt gồm cả hai tỉnh Quảng-Đông, Quảng-Tây. Gia Khánh lại còn lo Gia Long thừa thắng xông lên, dùng võ lực để dành lại đất, nên ra lệnh báo động đề phòng tại hai tỉnh này. Dưới đây là chỉ dụ của vua Gia Khánh ra lệnh cho Tổng-đốc Lưỡng-Quảng Tôn Ngọc Đình phải đối phó với tình hình, cùng bác bỏ điều xin của Gia Long: Ngày 20 tháng 12 năm Gia Khánh thứ 7 [13/1/1803] Dụ các Quân Cơ Đại Thần: Hôm qua Tôn Ngọc Đình tấu dâng biểu văn thỉnh phong của Nguyễn Phúc Ánh [Gia Long], Trẫm đã duyệt đọc kỹ, việc xin phong tên nước hai chữ “Nam-Việt” không thể chấp nhận được. Địa danh “Nam-Việt” bao hàm rất lớn, khảo sử xưa hai tỉnh Quảng-Đông, Quảng-Tây đều nằm ở trong đó. Nguyễn Phúc Ánh là tiểu Di nơi biên giới, tuy hiện nay có được toàn đất An-Nam, bất quá lãnh thổ bằng đất Giao-Chỉ xưa là cùng, làm sao lại được xưng là Nam-Việt. Biết đâu đây không phải là ý muốn khoe khoang tự thị của ngoại Di, xin thay đổi quốc hiệu, để thử bụng [Thiên triều] trước, đương nhiên đáng bác đi. Đã ra lệnh cho Quân Cơ Đại-thần soạn thay một tờ hịch dụ, cùng mang nguyên biểu giao cho Tôn Ngọc Đình trả lại; để xem sau khi nhận được chúng sẽ bẩm báo phúc đáp ra sao, rồi đợi chiếu chỉ mà liệu biện. Ngoài ra Nguyễn Phúc Ánh cầu phong quốc hiệu Nam-Việt, rõ ràng tự thị võ công muốn đòi xin thêm đất. Sợ bọn chúng âm mưu bất trắc, nên lệnh truyền các quan địa phương tại hai tỉnh Quảng-Đông, Quảng-Tây lưu tâm phòng bị vùng biển cùng biên giới, quan ải; không được trễ nải lơ là. Nay truyền dụ các nơi để hay biết. Nội dung chỉ dụ nêu trên cho thấy triều đình nhà Thanh xử sự theo lối trịch thượng, vua Gia Khánh không trực tiếp gửi chỉ dụ cho vua Gia Long, chỉ giao cho viên Tổng-đốc Lưỡng-Quảng trả lời mà thôi. Gia Long cũng không vừa, coi như văn thư nhận được chỉ là ý kiến riêng của Tôn Ngọc Đình, không xứng đáng là một quốc thư, nên lại một lần nữa yêu cầu thẳng vua Gia Khánh cho đặt tên nước là Nam-Việt. Ngày 6 tháng 4 năm Gia Khánh thứ tám [26/5/1803] Dụ các Quân Cơ Đại-thần: Tôn Ngọc Đình dâng tấu triệp xin chiếu chỉ để tuân hành về việc tờ bẩm phúc đáp của Nguyễn Phúc Ánh. Trẫm đã đọc kỹ, Nguyễn Phúc Ánh cho rằng lời dụ lần trước là ý kiến riêng của Tôn Ngọc Đình, biểu văn của y chưa tấu lên trên để được nghe quyết định [của Hoàng-đế], nên lần này vẫn thỉnh phong quốc hiệu Nam-Việt và khẩn xin tấu thay. Trẫm duyệt biểu văn, lời và ý rất mềm dẻo, hết sức cung thuận. Xưng rằng nước y trước kia có đất Việt-Thường, nay lấy thêm đất An-Nam (của Tây Sơn)không dám quên gốc đã giữ đời nối đời, bèn dùng tên cũ Nam-Việt, đấy là tình thực. Tôn Ngọc Đình hãy truyền hịch cho viên Quốc-trưởng rằng: “Lần trước đến xin thỉnh phong quốc hiệu, danh nghĩa chưa hợp, nên không dám mạo muội tấu đầy đủ. Nay nhận được biểu phúc đáp, tường thuật đầu đuôi việc dựng nước, xin được phong tên mới, đã thể theo thực tình tâu lên đại Hoàng-đế. Nay nhận được chỉ dụ rằng: “Viên Quốc-trưởng có lòng thành, lần trước cung kính giao nạp sắc ấn trước đây ban cho [An-Nam] bị Nguyễn Quang Toản bỏ lại, cùng trói giải bọn giặc cướp ngoài biển; lại cung kính thỉnh mệnh, nên được soi xét kỹ tấm lòng thành. Việc cầu phong và dâng biểu cống; đặc dụ chấp thuận. Đến việc xin đặt tên nước là Nam-Việt, thì nước này trước đây có đất cũ Việt-Thường, sau lại được toàn lãnh thổ An-Nam; vậy Thiên-triều phong quốc hiệu cho dùng hai chữ “Việt-Nam”; lấy chữ “Việt” để đằng trước tượng trưng cương vực thời xưa; dùng chữ “Nam” để đằng sau, biểu tượng đất mới được phong; lại còn có nghĩa là phía nam của Bách-Việt; không lẫn lộn với tên nước cũ “Nam-Việt”. Một khi tên nước đã chính, nghĩa của chữ cũng tốt lành; vĩnh viễn thừa hưởng ân trạch của Thiên triều. Hiện đã ra lệnh cho Bồi-thần đến kinh khuyết thỉnh phong, sắc ấn ban sẽ lấy hai chữ đó làm tên. Nước ngươi được ban tên đẹp, xếp vào nước ngoại phiên thần phục, càng đầy đủ sự vinh hiển.” Tôn Ngọc Đình tiếp nhận chiếu chỉ này, một mặt truyền hịch dụ Nguyễn Phúc Ánh, một mặt sai Ủy-viên bạn tống Sứ-thần nước này đến kinh đô dâng biểu tiến cống. Lưu ý tiết trời nắng nóng, nên cho đi từ từ để tỏ lòng thể tuất. Vào khoảng cuối tháng 7 đến kinh đô, lúc này Trẫm tránh nóng tại sơn trang, gặp dịp Cáp Tát Khắc vào triều cận, lệnh cùng dự yến luôn một thể. Vẫn để viên Sứ-thần khởi trình từ Quảng-Tây, nhật kỳ nhớ báo trước khi đi. Đem dụ này truyền để hay biết.” Văn bản nêu trên đề cập lời đối đáp khéo léo giữa hai lãnh tụ Việt, Trung. Gia Long tránh né bàn về tên nước thời nhà Triệu, giải thích một cách hợp lý rằng Nam-Việt là tên ghép đất cũ Việt-Thường của cha ông [địa danh xưa thuộc miền nam Việt-Nam từ Thanh-Hóa trở vào] và An-Nam của nhà Tây Sơn. Gia Khánh cũng không vừa, chấp nhận lời giải thích đó, nhưng ghép hai địa danh Việt-Thường và An-Nam theo một cách khác, thành hai chữ Việt và Nam. Kể từ đó ta có tên nước là Việt-Nam.

TÊN NƯỚC VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ

TÊN NƯỚC VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ

Dưới thời cai trị của Trung Quốc, Việt Nam được người Trung Quốc gọi là An Nam (南越 có nghĩa là Miền nam yên bình theo hy vọng của Trung Quốc). Khi Việt Nam độc lập, nó được gọi là Đại Cồ Việt, Đại Ngu hay Đại Việt. Năm 1802, vua Gia Long yêu cầu nhà Thanh cho phép đổi tên nước thành Nam Việt. Để ngăn sự hiểu lầm với vương quốc cổ của Triệu Đà, vua Mãn Châu nhà Thanh đảo thứ tự hai từ thành Việt Nam. Năm 1838, dưới thời Nguyễn, tên nước được đổi tạm thời thành Đại Nam. Dưới thời thực dân pháp, Việt Nam bị chia thành: Tonkin (Bắc kỳ hay Bắc Việt Nam), Annam (Trung kỳ hay Trung Việt Nam), và Cochin China (Nam Kỳ hay Nam Việt Nam)
• Thời Kinh Dương Vương: Xích Quỷ khoảng năm 2879 TCN (có nguồn nói là năm 2897 TCN) • Thời Hồng Bàng: Văn Lang • Thời Thục Phán An Dương Vương: Âu Lạc
• Thời Triệu Đà: Tượng Quận • Thời Nhà Hán: chia làm 3 quận là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam
• Thời Lý Bí, năm 542: Vạn Xuân • Thời nhà Đường: An Nam Đô hộ phủ 618 - 907 • Thời nhà Đinh - Tiền Lê: Đại Cồ Việt 968 - 1053 • Thời nhà Lý: Đại Việt 1054 - 1399 Dưới triều vua Lý Anh Tông, nhà Tống công nhận một quốc gia độc lập, tên An Nam Quốc • Nhà Hồ: Đại Ngu 1400 nghĩa là hoà bình
• Nhà Hậu Lê - Nhà Tây Sơn: Đại Việt
• Nhà Nguyễn: vua Gia Long thống nhất 2 miền nam bắc, lấy quốc hiệu là Việt Nam từ chữ An Nam và Việt Thường năm 1802 Dưới triều đại vua Minh Mạng (1820 - 1840) có đổi tên nước là Đại Nam
• Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1946 - 1976)• Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976 đến nay ).

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2008

KHI NGƯỜI CHỒNG TỐT NGOẠI TÌNH



Trong cuộc sống, có thể hiểu được khi một người đàn ông đào hoa, sống hời hợt hay tham lam dính vào ngoại tình. Nhưng thật khó lý giải khi người đàn ông nghiêm túc, một người chồng chỉn chu, cũng ngoại tình
Ngoại tình, càng yêu vợ hơn
Chồng của bạn tôi là một người đàn ông tốt, yêu bạn tôi say đắm. Bởi vậy, chúng tôi bình chọn anh ấy là người chồng mẫu mực. Bạn tôi có học thức, xinh xắn, đủ thông minh để biết anh ấy cần gì. Gia đình có hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi. Chồng bạn tôi kinh doanh, bạn tôi làm cô giáo.
Mỗi lần đi dạy xa một chút, người chồng lại lái xe chở vợ đến, đón vợ về. Thấy chồng xuống mở cửa xe và tươi cười cầm tay vợ, đám học viên trầm trồ: “Cô sướng thật!”. Chồng bạn tôi biết vợ là “lá ngọc cành vàng”, nên việc nặng trong nhà anh đều gánh vác hết. Thậm chí, tự ủi quần áo cho mình và xung phong ủi luôn áo dài cho vợ. Ai cũng thấy bạn tôi sướng và hạnh phúc, có người chồng tốt tính, yêu thương vợ.
Vậy nhưng, một hôm chúng tôi phát hiện anh ấy ngoại tình với một cô gái lớn hơn con gái vài tuổi, trình độ mới hết lớp 9, làm công nhân ở một khu công nghiệp. Điều gì đã xui khiến anh ấy “dại dột”? Không ai trong chúng tôi giải thích được. Vì sao anh ấy lại quyết định “dại dột”? Lại càng không có ai tìm được câu trả lời. Chỉ biết rằng, khi anh ấy có “bồ”, anh ấy lại càng tốt với bạn tôi hơn. Anh không quản đường xa, đưa đón bạn tôi đều đặn. Mỗi lần về quê “người ấy”, anh không quên rẽ vào chợ mua mấy con gà quê cho vợ, loại thực phẩm vợ rất thích.
Đáng nói hơn, không biết chồng mình ngoại tình, nên mỗi lần được anh xử sự, đối đãi tốt, bạn tôi đều vui vẻ gọi điện khoe với chúng tôi. Còn anh ấy thì ngược lại, biết rõ sự vụng trộm đã bị chúng tôi phát giác, nên mỗi lần gặp trong mắt anh ấy hiện lên một nỗi buồn và sự lo lắng. Anh ấy là một người đàn ông tốt đang ngoại tình.
Tôi có người bạn gái đã ly hôn. Bạn tôi thông minh sắc sảo, xinh đẹp và quý phái. Rất nhiều người đàn ông theo đuổi, trong đó có cả đàn ông đang có vợ. Rất bất ngờ, người chiến đấu kiên cường nhất để chiếm trái tim bạn tôi lại là người đàn ông đang có cuộc sống hạnh phúc nhất.
Anh ấy bắt đầu một chiến dịch bài bản bằng những cử chỉ, hành động tinh tế và chân thành: Hằng ngày, sau giờ làm việc anh đón con về nhà. Sau khi dặn dò cậu con trai mới lớn ăn uống học hành, anh ấy lao đến cổng cơ quan bạn tôi.
Suốt buổi tối, anh ấy đi chơi với bạn tôi như “gã độc thân”. Nhưng đúng 9 giờ rưỡi, anh ấy tất tả về nhà, ngồi ăn bát cơm vợ mình để dành, hỏi han công việc của vợ, việc trường lớp của con, mắc màn cho vợ và lẻn ra sân hút điếu thuốc rồi tranh thủ nhắn tin chúc bạn tôi ngủ ngon. Thứ Bảy hằng tuần, anh ta nói dối vợ là họp cơ quan để đưa bạn tôi đi mua sắm. Mua cho con gái bạn tôi gói bánh, thì cũng mua hộp kem về cho cậu con trai ở nhà.
Vợ anh ấy phát hiện anh ấy ngoại tình. Anh ấy là người đau khổ và “chịu trận” nhiều nhất. Tôi thấy anh ấy già hẳn đi vì suy nghĩ. Vừa thương vợ và hai cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn, lại lo cho bạn tôi không chịu được sự cô đơn.
Hai năm chiến đấu giằng co, bây giờ anh ấy đã ly hôn vợ và ở với cậu con trai lớn. Bạn tôi cũng không có ý định lấy anh ấy vì cô con gái tuyên bố: Hoặc là con, hoặc là bố con bác ấy. Vậy là anh ấy vẫn cặm cụi lo cuộc sống cho mình và cậu con trai, tất bật với những công việc không tên cho mẹ con bạn tôi. Anh ấy vất vả, vì anh ấy là một người đàn ông tốt ngoại tình.
Phải hết sức khôn khéo để giữ chồng
Nhưng cũng có những người vì tốt mà không nỡ ngoại tình. Ông bạn học cùng tôi vốn là người được bạn bè gọi là nghiêm túc và chung thủy. Bỗng một ngày thấy xao xuyến trước cô bạn cùng cơ quan. Tin nhắn qua tin nhắn lại rồi một ngày bạn tôi quyết định mời cô ấy đi ăn tối. Họ hẹn nhau ở một nhà hàng sang trọng và kín đáo. Anh ta đến sớm và hồi hộp như ngày xửa ngày xưa hẹn với người mà bây giờ là vợ.
Đang “thả tâm hồn treo ngược cành cây”, theo dõi những người phục vụ hối hả chuẩn bị bàn ăn cho khách, anh ta chợt giật mình nhớ đến vợ. Giờ này chắc cô ấy cũng đang tất bật với công việc điều hành nhà hàng của mình. Tự nhiên anh ta bừng tỉnh và hối hận. Vội vã nhắn tin xin lỗi cô bạn và chạy ào về nhà. May mà anh ấy là người tốt, nếu không thì đã ngoại tình.
Khi người đàn ông tốt ngoại tình, họ vất vả hơn và bị lương tâm giằng xé hơn. Nếu bạn lấy được một người chồng tốt, bạn là người hạnh phúc và may mắn. Nhưng nếu người chồng tốt của bạn ngoại tình, bạn phải hết sức khôn khéo để giữ chồng mình, vì anh ấy tốt với bạn thì cũng tốt với người tình anh ấy.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn:
chỉ muốn thêm chứ không muốn mất!
Những người đàn ông này chỉ muốn thêm chứ không muốn mất! Một trong những hình thức ngoại tình tinh vi nhất, phổ biến nhất và cũng khó giải quyết dứt điểm nhất là những trường hợp người chồng ngoại tình, nhưng vẫn làm tròn trách nhiệm với vợ con.
Những người đàn ông ngoại tình kiểu này có một số biểu hiện tâm lý như sau:
Tâm lý “thêm chút nào, hay chút ấy”: Họ ngoại tình không phải vì chê vợ hay có những bất hoà, mâu thuẫn trong gia đình. Chỉ vì có cơ hội, họ xây dựng thêm mối quan hệ nữa ngoài vợ, giống như người vẫn trung thành với cơ quan nhà nước, nhưng ngoài giờ hành chính vẫn “làm thêm”.
Tâm lý “đổi món”: Cuộc sống vợ chồng đã trở nên nhàm chán, song không phải vì nhàm chán mà họ phá bỏ, bởi giữa người vợ và người chồng còn bao nhiêu ràng buộc khác. Họ đành thực hiện phương châm “ăn thêm” ở ngoài cho vui vẻ.
Tâm lý “bù đắp”: Vì lý do nào đó giữa vợ và chồng không có sự hoà hợp, người chồng không tìm cách cải thiện mối quan hệ gia đình, mà tìm cách “bù đắp” bằng việc cặp bồ để tìm kiếm những gì mà ở người vợ không có.

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2008

NHÀ NGUYỄN

Nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802 sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và chấm dứt khi vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945 – tổng cộng là 143 năm. Triều đại Nhà Nguyễn được ghi nhớ với các giai đoạn chính: giai đoạn độc lập (1802 - 1858), giai đoạn bị tấn công chiếm đất (1858 - 1887), giai đoạn thuộc Pháp (1887 - 1945).

Người khởi đầu cho sự nghiệp của nhà Nguyễn là Nguyễn Kim (1468 - 1545). Khi nhà Hậu Lê bị nhà Mạc cướp ngôi vào năm 1527, Nguyễn Kim chạy vào Thanh Hóa để chống lại nhà Mạc. Sau đó Nguyễn Kim còn kiếm được một người con của vua Lê cũ để nối tiếp nhà Lê, đây là Lê Trang Tông. Nhờ công này, Nguyễn Kim được vua phong chức Quốc công, trông coi tất cả quân đội. Nguyễn Kim sau bị người nhà Mạc dùng thuốc độc giết. Nguyễn Kim có hai người con trai là: Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng, cả hai đều được phong chức Quận công, nhưng binh quyền lọt vào tay người anh rể là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm nắm quyền chỉ huy quân đội, trông coi tất cả mọi việc trong triều đình. Để giảm bớt quyền lực của họ Nguyễn, Trịnh Kiểm giết Nguyễn Uông. Lo sợ cho chính mình, Nguyễn Hoàng xin vào trấn đất Thuận Hóa, tức là miền nam của Việt Nam lúc đó (phần đất thuộc các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam bây giờ), vào năm 1558 để tránh xa Chúa Trịnh.
Từ đó Nguyễn Hoàng lập nên căn cứ của mình tại phương nam, mở rộng ranh giới bằng cách xâm chiếm
Chiêm Thành, Lào, Chân Lạp, gây sức ép với các vua của Đế quốc Khmer để họ nhường đất của xứ Phù Nam cũ (tức là miền Nam Việt Nam bây giờ). Tuy nhiên, các chúa Nguyễn lúc đó về hình thức vẫn thần phục vua Lê và cũng chỉ xưng "Chúa" (Chúa Nguyễn), với Nguyễn Hoàng là người đầu tiên xưng là Chúa Tiên, và đặt tên cho vùng đất cai trị của mình là Đàng Trong.

Con của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên, hay Chúa Sãi, lên ngôi chúa năm 1613, là người đầu tiên mang họ Nguyễn Phúc. Từ đó con cháu trong giòng họ này đều mang họ này.
Sáu đời sau
Nguyễn Phúc Khoát, lên ngôi vào năm 1738, là người đầu tiên xưng "vương" vì Chúa Trịnh tại phương bắc cũng đã xưng vương – vua Lê chỉ còn hư vị. Nguyễn Phúc Khoát xưng mình là Vũ Vương.
Sau khi Vũ Vương chết, theo di chúc người nối ngôi phải là
Nguyễn Phúc Luân nhưng một vị quan trong triều là Trương Phúc Loan lập Nguyễn Phúc Thuần, mới 12 tuổi, lên ngôi để nắm quyền. Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi năm 1765, xưng là Định Vương.
Trương Phúc Loan là một người độc ác, tàn bạo nên dân chúng nổi lên khởi nghĩa, trong số đó là anh em
nhà Tây Sơn. Nhà Tây Sơn được lòng dân nên thế lực rất mạnh. Họ đánh bại quân chúa Nguyễn, bắt giết Định Vương Thuần và rất nhiều người trong họ Nguyễn Phúc. (Một người cháu, gọi Định Vương là chú, tên Nguyễn Phúc Dương lên nối ngôi nhưng cũng bị bắt giết cùng Phúc Thuần). Nhà Tây Sơn cũng đánh bại quân Trịnh và chiếm cả Thăng Long, nhưng họ lại giao trả đất phía bắc (Đàng Ngoài) lại cho vua Lê và rút quân về lo việc cai trị Đàng Trong.
Kể từ khi
Nguyễn Hoàng lên ngôi chúa năm 1558 đến khi Nguyễn Phúc Dương bị bắt năm 1777, các chúa Nguyễn đã cai trị Đàng Trong hơn 200 năm và mở mang biên giới về phía nam cho đến tận vịnh Thái Lan.
Phú Xuân rơi vào tay họ Trịnh, chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng với Tân chính Vương Nguyễn Phúc Dương và gia quyến bị sát hại. Một người con của Nguyễn Phúc Luân là Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát và được lập lên nối ngôi chúa, lúc bấy giờ mới 16 tuổi.

Sau khi củng cố lực lượng năm Canh Tý (1780) Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vương ở Gia Định. Trong 24 năm Nguyễn Phúc Ánh đã tham chiến nhiều lần với quân của nhà Tây Sơn, thường là bị thất bại và phải chạy trốn. Sau nhờ sự ủng hộ, nhất là về các vũ khí, của các nhà truyền giáo người Pháp (đặc biệt là sự giúp đỡ của Pigneau de Béhaine) đồng thời lúc đó vua Quang Trung đã mất, anh em nhà Tây Sơn cũng đang trong cảnh "huynh đệ tương tàn", Nguyễn Phúc Ánh đã đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước, mở đầu cho triều đại nhà Nguyễn.


Hiệu kỳ hoàng đế nhà Nguyễn từ 1802 đến 1885
Dưới triều Nguyễn, chức Tể tướng được bãi bỏ. Triều đình lập ra 6 bộ, đứng đầu mỗi bộ là quan Thượng Thư
Bộ Lại: coi việc khảo xét công trạng, thảo những tờ chiếu sắc...
Bộ Hộ: coi việc đinh điền thuế má, tiền bạc...
Bộ Lễ: coi việc tế tự, tôn phong, cách thức học hành thi cử...
Bộ Binh: coi việc binh lính...
Bộ Hình: coi việc pháp luật...
Bộ Công: coi việc làm cung điện, dinh thự...


Vua Gia Long sinh năm 1762, mất năm 1819, là con trai thứ ba của Nguyễn Phúc Luân, lên ngôi năm 1802, có 13 con trai và 18 con gái. Vua Gia Long cũng là người đặt tên nước là Việt Nam.
Vua Minh Mạng sinh năm
1791, mất năm 1840, là con trai thứ tư của vua Gia Long, lên ngôi năm 1820 (ngày 1 tháng giêng âm lịch) vì người anh cả là hoàng tử Cảnh lúc đó đã chết (các anh thứ hai và thứ ba chết lúc còn nhỏ), có 78 con trai và 64 con gái.
Vua Thiệu Trị sinh năm
1807, mất năm 1847, là con trai lớn của vua Minh Mạng, lên ngôi năm 1841 (ngày 1 tháng giêng âm lịch), có 29 con trai và 35 con gái.
Vua Tự Đức sinh năm
1829, mất năm 1883, là con trai thứ hai của vua Thiệu Trị, lên ngôi năm 1847, vì không có con nên nuôi 3 người cháu. Cả ba sau đều lên làm vua: Dục Đức, Đồng Khánh và Kiến Phúc.
Vua Dục Đức sinh năm
1852, mất năm 1883, là con trai trưởng (con nuôi) của vua Tự Đức, lên ngôi ngày 20 tháng 7 năm 1883 nhưng 3 ngày sau bị Nguyễn Văn TườngTôn Thất Thuyết truất phế rồi giết chết, có 11 con trai và 8 con gái. Dục Đức, vì ở trên ngôi có 3 ngày, không có thời giờ chọn niên hiệu; Dục Đức là tên của dinh thự của vị vua này. Miếu hiệu và thụy hiệu về sau mới được tôn xưng.
Vua Hiệp Hòa sinh năm
1847, mất năm 1883, là con trai thứ 29 của vua Thiệu Trị (tức là em của vua Tự Đức), lên ngôi ngày 30 tháng 7 năm 1883 nhưng 4 tháng sau bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết giết chết, không có con.
Vua Kiến Phúc sinh năm
1869, mất năm 1884, là con trai thứ ba (con nuôi) của vua Tự Đức, lên ngôi ngày 2 tháng 12 năm 1883 nhưng 8 tháng sau thì bị bệnh rồi chết, mọi việc đều được lo bởi Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, không có con.
Vua Hàm Nghi sinh năm
1872, mất năm 1943, là cháu gọi vua Tự Đức là chú (có cùng cha với vua Đồng Khánh nhưng vua Đồng Khánh là con nuôi của vua Tự Đức), lên ngôi năm 1884 nhưng bị Pháp truất phế 1 năm sau đó vì mưu lược chống họ, có 1 con trai và 2 con gái. Sau khi bị truất phế vua Hàm Nghi tiếp tục việc chống Pháp nhưng bị bắt vào năm 1888 và bị Pháp đày sang Algérie.
Vua Đồng Khánh sinh năm
1864, mất năm 1889, là con trai thứ hai (con nuôi) của vua Tự Đức, lên ngôi năm 1885 nhưng sau 3 năm thì bị bệnh rồi chết, có 6 con trai và 3 con gái.
Vua Thành Thái sinh năm
1879, mất năm 1955, là con trai thứ bảy của vua Dục Đức (người làm vua chỉ trong 3 ngày), lên ngôi năm 1889 nhưng bị Pháp truất phế vào năm 1907 vì chống lại họ, có 16 con trai và nhiều con gái. Vào năm 1916 vua Thành Thái (cùng con là vua Duy Tân) bị Pháp đày sang đảo Réunion, nhưng được đón trở lại Việt Nam vào năm 1947.
Vua Duy Tân sinh năm
1899, mất năm 1945, là con trai thứ năm của vua Thành Thái, lên ngôi năm 1907 nhưng chỉ lo việc chống Pháp nên bị họ truất phế và đày sang đảo Réunion (cùng với cha là vua Thành Thái) vào năm 1916, có 3 con trai và 1 con gái.
Vua Khải Định sinh năm
1885, mất năm 1925, là con trai trưởng của vua Đồng Khánh, lên ngôi năm 1916 với ý định hòa hoãn với Pháp, chỉ có 1 con trai.
Vua
Bảo Đại sinh năm 1913, mất năm 1997, là con trai độc nhất của vua Khải Định, lên ngôi năm 1926 trong khi đang du học tại Pháp nên về Việt Nam 6 năm sau đó, có 2 con trai và 3 con gái. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, triều đình hoàng đế Bảo Đại tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam. Nhà sử học Trần Trọng Kim được bổ làm Nội các Tổng trưởng, giao nhiệm vụ thành lập nội các vào ngày 17 tháng 4 và đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam. Vua Bảo Đại thoái vị ngày 30 tháng 8 năm 1945 và giữ chức "Cố vấn tối cao" cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập, nhưng chẳng bao lâu lại từ chức đi sống tại các nước ngoài. Bảo Đại trở lại Việt Nam với chức vụ Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam vào năm 1948 nhưng lại bị mất quyền sau một cuộc trưng cầu dân ý trong năm 1956.

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2008

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2008

TIN MỚI VỀ VỤ NGƯỜI LÀM CÔNG GIẾT CHÁU CHỦ NHÀ

Sáng ngày 1/9, tại cơ sở bán chả lụa Nam Hải, số 40 đường Hùng Vương, khóm 6, phường 5, TP Cà Mau (Cà Mau) do ông Nguyễn Văn Tung làm chủ đã xảy ra án vụ giết người cướp tài sản. Nạn nhân là anh Vũ Đình Hiệp (1982) quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu (cháu của ông Tung). Sau khi nhận tin báo, Công an tỉnh Cà Mau phối hợp với Công an TP Cà Mau, tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập thông tin.

Sau hơn 10 giờ điều tra, lực lượng công an đã bắt được 2 đối tượng gây án. Đó là Trần Nguyễn Bình Dân (SN 1989, làm công cho cơ sở bánh mì chả lụa Nam Hải) và Nguyễn Tiến Lên (1988) cùng ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (Cà Mau). Qua điều tra, Dân cho biết Lên đang học lớp tin học kế toán khoá 8, Trường Kinh tế Kỹ thuật tỉnh Cà Mau. Theo lời khai ban đầu của Dân và thông tin từ người nhà ông Tung, khoảng 11h ngày 31/8, Lên đến nơi Dân đang làm thuê chơi. Thấy người nhà ông Tung có đeo nhiều vàng nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Lên rủ Dân đi chơi và bàn kế hoạch, Dân đồng ý và cả hai đi mua dao Thái Lan rồi hẹn nhau hành động. Đêm 31/9 trước khi đi ngủ Dân mở sẳn cửa sau nhà chờ Lên vào hành động . Được biết Dân và anh Hiền cùng ngủ chung giường, cùng nghủ phòng phía sau có một chị cùng làm công cho gia đình ông Tung trên người đeo khoản hơn cây vàng. Khoản 1giờ ngày 1/7 Lên lẻn vào cùng với Dân dùng dao Thái Lan thủ sẵn trong người đâm nhiều nhát vào người anh Hiệp đang ngủ, nghe tiếng động chị ngủ chung phòng tỉnh giấc la hoáng lên lúc này Lên bỏ chạy ra ngoài còn Dân cạy ra đập cửa kính và dùng dao tự đâm vào chân mình để tạo hiện trường giả, người nhà kêu xe chở anh Hiệp đi cấp cứu nhưng vì vết thương quá nặng anh Hiệp đã chết.


Sau khi khám nghiệm hiện trường và lấy lời khai nhân chứng, cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau quyết định khởi tố vụ án giết người cướp của và ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Bình Dân và tiếp tục truy bắt tên đồng phạm Nguyễn Tiến Lên.

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2008

HAI MÃNH ĐỜI
















CẤM XE BA BÁNH TỰ CHẾ


Chỉ còn là kỷ niệm

Nếu không giải quyết việc làm thì người chạy xe ba bánh sẽ như thế này


Thầm lặng mưu sinh



Thứ Ba, 1 tháng 7, 2008

ĐOÁN BIẾT LÒNG CHUNG THỦY QUA NGÀY SINH


Bạn tự hỏi mình có thật sự chung thủy không? Người ấy có bao giờ lừa dối? Tất cả đều thể hiện qua ngày sinh của bạn. Hãy đọc để biết xem mình và cả người ấy chung thuỷ đến mức nào.

Bạch dương (21/3-20/4)

Người tiên phong, sôi nổi, hấp tấp và cá tính

Nữ sinh cung Bạch dương

Được thống trị bởi sao hoả, một hành tinh của những khát khao và hành động nên bạn không thuộc tuýp người lãng phí thời gian.

Yêu ai, bạn thường muốn anh ta ngay lập tức. Đam mê và nóng bỏng, bạn hoàn toàn là người thuỷ chung khi ngọn lửa tình đang bốc cháy. Song ngọn lửa ấy cũng nhanh chóng hạ nhiệt. Vì vậy tốt nhất nên lấy một người chồng luôn phải công tác xa nhà để duy trì được ngọn lửa tình.

Nam sinh cung Bạch dương

Bạn luôn nhìn mọi vấn đề một cách thẳng thắn, luôn nghe theo bản năng mà không cần phải suy nghĩ đắn đo. Chính vì vậy bạn rất dễ đi lệch hướng.

Về lâu dài, thủy chung không phải tuýp của bạn. Tuy nhiên bạn sẽ luôn đấu tranh cho quyền lợi của mình, đặc biệt quyền lợi đối với người yêu. Chính vì vậy bạn cũng có thể trở thành người rất chung thuỷ nếu có một mối đe dọa từ đối thủ khác.

Kim ngưu (21/4-20/5)

Kiên định, nhạy cảm, thực tiễn và hiệu quả

Nữ sinh cung Kim ngưu

Lòng thuỷ chung của bạn thể hiện qua sự gần gũi, thân thiện về thể xác. Những suy nghĩ, hình ảnh khi hai người bên nhau luôn làm bạn vui vẻ. Bạn luôn cố gắng hết mình để xây dựng mối quan hệ tình cảm. Vì vậy bạn sẽ không dễ dàng để nó tuột khỏi tay.

Với bạn, thuỷ chung đôi khi gắn liền với sở hữu. Đặc tính bảo thủ cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn là người rất chung thủy. Bạn rất ghét thay đổi nên một khi đã hứa hẹn với ai, bạn luôn dính chặt trong mối quan hệ đó dù nó có không như bạn mong muốn.

Nam sinh cung Kim ngưu

Luôn là những người tình tuyệt vời bởi bạn tạo ra cảm giác ấm áp, thoải mái cho người yêu. Bạn luôn tin rằng mình sở hữu người phụ nữ ấy cả về thể xác lẫn tâm hồn. Một khi đã xác định rõ ràng mối quan hệ, bạn sẽ kiên định, vững chắc như đá và luôn thuỷ chung với người mình đã chọn.

Cung song tử (21/5-20/6)

Tò mò, nhạy bén, cởi mở và láu cá

Nữ sinh cung Song tử

Được cai trị bởi sao thuỷ, bạn luôn có thủ thuật và bí quyết riêng đối với bất kì người đàn ông nào mình muốn theo đuổi. Thuỷ chung không phải là đức tính của bạn. Chìa khoá để giải quyết vấn đề này là sự giao tiếp. Càng chia sẻ được nhiều điều với người đàn ông của đời mình, bạn càng trở nên chung thuỷ với người ấy. Có như vậy bạn mới thật sự thoải mái và tận hưởng hạnh phúc trọn vẹn của mình.

Nam sinh cung Song tử

Hai ký hiệu trong biểu tượng song sinh có nghĩa những người đàn ông sinh cung song tử luôn muốn mọi thứ phải có đôi. Bạn có thể làm hai công việc, yêu hai người phụ nữ và điều quan trọng là đều có thể chung thủy với cả hai (ở một chừng mực nào đó).

Cự giải (21/6-22/7)

Che chở, lãng mạn và yêu gia đình

Nữ sinh cung Cự giải

Sinh ra dưới mặt trăng bí ẩn và đầy nữ tính, những người phụ nữ này luôn là tuýp người tận tuỵ trong vai trò làm mẹ. Do đó với bạn thuỷ chung cũng đồng nghĩa với sống vì người mình yêu.

Tình yêu của bạn không đòi hỏi được đáp lại. Tuy nhiên bạn luôn phải chịu những nỗi đau và những giọt nước mắt vì cảm thấy bị bỏ rơi. Song tận trong sâu thẳm trong trái tim mình, bạn biết rằng yêu thực sự là để cho người ấy có những không gian tự do riêng của họ.

Nam sinh cung Cự giải

Bạn tìm mọi cách để che giấu vẻ ngượng ngùng, nhạy cảm của mình dưới vỏ bọc của sự phòng thủ. Bạn luôn tỏ ra chẳng quan tâm tới ai, chẳng cần ai quan tâm tới mình. Song thật ra bạn là người rất tình cảm, tốt bụng và ân tình.

Vì vậy muốn yêu bạn thì tốt nhất người ấy phải thể hiện tình cảm của họ với bạn. Một khi bạn cảm nhận được tình cảm của người yêu mình, người ấy sẽ là tất cả với bạn. Thật tuyệt vời nếu người ấy cũng yêu bạn. Song lại là sự đau đớn khi người ấy muốn thoát khỏi bạn.

Sư tử (23/7-22/8)

Dũng cảm, tự hào, trung thành và vượt trội

Nữ sinh cung Sư tử

Mặt trời và sư tử là những ký hiệu của sự thủy chung. Một khi bạn đã tuyên bố chuyện tình cảm của mình thì vì sĩ diện cá nhân và lòng tự trọng, bạn sẽ luôn chung thuỷ với chuyện tình cảm đó.

Hôn nhân với bạn là lời thề của tình yêu, danh dự. Bạn hãy biết nghe con tim của mình. Và bởi theo bạn tình yêu và sự chung thuỷ không thể tách rời nhau nên khi không còn yêu, bạn cũng không ngại ngần tiến lên phía trước.

Nam sinh cung Sư tử

Bạn thích yêu và được yêu. Bạn luôn khiến người yêu mình cảm nhận cô ấy là vô giá với bạn. Song bạn cũng rất dễ đi ngoại tình. Vì vậy cách tốt nhất để duy trì sự thủy chung với bạn là người ấy phải luôn tạo cho bạn cảm giác có trách nhiệm và vui vẻ với cuộc sống gia đình.

Xử nữ (23/8-22/9)

Khéo léo, tận tuỵ, thông minh song lại rất cầu kỳ

Nữ sinh cung Xử nữ

Tình yêu và sự thuỷ chung với bạn luôn trầm lặng. Bạn sẵn sàng phục vụ và chăm sóc người mình yêu song không bao giờ để sự chung thuỷ của mình bị lợi dụng. Với bạn việc có những mối quan hệ nông cạn trước khi có được một mối tình thật sự là điều rất bình thường.

Nam sinh cung Xử nữ

Bạn có thể cười nói với người phụ nữ này, song cũng có thể làm điều tương tự với người phụ nữ khác. Bạn biểu lộ sự thủy chung của mình qua cách thể hiện tình cảm và sự lãng mạn. Khi một mối quan hệ nào đó trở nên sâu đậm, bạn biết cách khéo léo để đẩy nó ra bởi bạn là người hay thay đổi

Thiên bình (23/9-22/10)

Có văn hoá, thanh nhã, có sức thuyết phục và quyến rũ

Nữ sinh cung Thiên bình

Những người phụ nữ sinh cung Thiên bình được cai trị bởi thần ái tình Venus. Biểu tượng của bạn là cái cân. Do đó bạn luôn thích trò chơi tay đôi. Bạn sẽ không cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn nếu không có mối quan hệ theo kiểu thoả hiệp.

Thuỷ chung với bạn có nghĩa người bạn yêu cũng cần phải có cùng quan điểm như vậy. Song bạn là người có thủ thuật quyến rũ rất giỏi và có thể lôi cuốn bất kì người đàn ông nào bạn muốn. Thiên bình không phải là người luôn luôn chung thuỷ.

Nam sinh cung Thiên Bình

Bạn luôn thích được bao quanh bởi những người phụ nữ. Vấn đề ở chỗ bạn không thể đưa ra quyết định giữa hai sự lựa chọn của mình. Do vậy hậu quả xấu nhất là bạn làm cả vợ và người tình của mình thất vọng.

Thần nông (23/10-22/11)

Sâu sắc, quyết đoán và đam mê

Nữ sinh cung Thần nông

Với bạn ngoại tình là một điều kinh khủng và không thể chấp nhận được. Bạn rất khó tin một người đàn ông. Để tin họ, bạn phải thử thách họ rất nhiều. Bị phản bội sẽ làm con tim bạn đóng băng trở lại. Tuy nhiên sự chung thủy của chính bạn đôi khi lại là câu hỏi lớn. Khi bạn trở thành một Thần nông xấu, liệu bạn có còn là người thuỷ chung với những bí mật và những cử chỉ quyến rũ của mình?

Nam sinh cung Thần Nông

Sâu sắc và gợi cảm là nét thu hút nhất ở bạn. Bạn là người kín đáo và biết cách kiềm chế bản thân. Song một khi đã yêu bạn luôn nồng cháy và là người tình chung thuỷ.

Đôi khi bạn cũng để ghen tuông đi quá đà. Khi đó bạn chỉ thấy sự phản bội ở khắp mọi nơi. Tuy vậy, nhìn chung bạn là người cực kì chung thuỷ.

Nhân Mã (23/11-22/12)

Nhìn xa trông rộng, lạc quan, thoải mái trong chuyện tình cảm và luôn mạo hiểm

Nữ sinh cung Nhân Mã

Bạn sinh dưới chùm sao Mộc nên có tính cách thoải mái và nồng nàn. Dù luôn tách riêng tình yêu và chung thủy, song bạn lại biết cách duy trì cả hai khi có một mối quan hệ ổn định. Bạn luôn chân thành với người mình yêu, thậm chí khi anh ấy không còn quyến rũ với bạn, bạn cũng rất khó có thể nói lời chia tay.

Nam sinh cung Nhân Mã

Luôn tiến tới những điều lớn lao, táo bạo. Vì vậy nếu người bạn yêu không phải là một phần trong câu chuyện phiêu lưu của bạn, cô ấy rất dễ trở thành quá khứ. Bạn không chung thủy với những gì đã cũ và trở nên nhàm chán.

Ma kết (23/12-20/1)

Tham vọng, kín đáo, và có trách nhiệm

Nữ sinh cung Ma kết

Bạn không phải loại người thích mở rộng quan hệ. Bạn cũng không quá quan tâm tới chuyện tình cảm. Với bạn, thuỷ chung là sự chia sẻ hoặc một điều quan trọng với cả hai người. Bạn sẽ luôn cố gắng để đạt được điều đó và bỏ qua những điều không ảnh hưởng tới nó.

Nam sinh cung Ma kết

Bạn thực tiễn với cuộc sống. Bạn luôn chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con. Bạn rất chung thuỷ khi cảm thấy mình thật sự tận tâm vào việc gia đình bởi với bạn chung thuỷ cũng có nghĩa là làm tròn bổn phận với vợ con.

Cách tốt nhất để đoán biết sự chung thuỷ của những người sinh cung này là nhìn vào lượng thời gian họ ở cùng với gia đình hoặc người mình yêu.

Bảo bình (21/1-19/2)

Nguyên tắc, đạo đức, lạnh lùng

Nữ sinh cung Bảo bình

Bạn cho rằng chung thuỷ cũng có nghĩa là làm người bạn, người tình thật sự. Song nếu bị bỏ rơi thì hành động cứng rắn của bạn sẽ là một cú sốc với người bạn đã yêu. Lúc này sự thuỷ chung với bạn là thành thật với chính mình.

Nam sinh cung Bảo bình

Bạn là người rất có nguyên tắc. Một khi đã yêu ai, bạn sẽ mãi yêu và tin tưởng người ấy. Bạn xem thường sự dối trá. Những người sinh cung Bảo Bình là những người rất đáng tin cậy.

Song ngư (20/2-20/3)

Trắc ẩn, tận tuỵ, cảm thông và giàu trí tưởng tượng

Nữ sinh cung Song ngư

Được cai trị bởi sao Mộc và sao Hải Vương, bạn luôn muốn là người chung thủy. Tuy nhiên khối óc không bao giờ chỉ đạo được con tim bởi bạn luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp nhất ở người khác. Chính vì vậy, bạn dễ dàng rơi vào chuyện tình cảm ngoài ý muốn.

Nam sinh cung Song ngư

Bạn thường không phải là người chung thuỷ bởi luôn yêu hai người. Một người chung thuỷ với bạn, và một người bạn muốn chinh phục.